(Baonghean.vn) – HTX đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An – Tân Kỳ được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư 2 dự án tại Tân Kỳ là dự án đầu tư xây dựng sở hữu và kinh doanh chợ Tân Kỳ và Dự án trung tâm tổ chức sự kiện khách sạn và dịch vụ tổng hợp huyện Tân Kỳ. Hiện nay, dự án chợ mới Tân Kỳ (gọi tắt là chợ Tân Kỳ) đã đầu tư xong, đảm bảo điều kiện hoạt động.

Dự án chợ triển khai nhanh nhất trên địa bàn tỉnh

Tọa lạc ngay thị trấn Tân Kỳ, chợ Tân Kỳ là công trình bề thế đẹp mắt và khá hoành tráng với 3 tầng, trong đó một tầng trệt và 2 tầng nổi, tổng vốn đầu tư hơn 177 tỷ đồng.

Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 15/3/2018, sau gần 10 tháng, nhà đầu tư đã huy động nhân lực vật lực thi công và hoàn thành chợ đạt tiến độ “vàng”, là dự án chợ triển khai nhanh nhất trên địa bàn Nghệ An.

Chợ mới Tân Kỳ đã xây dựng xong, nằm ngay thị trấn Tân Kỳ là ngôi chợ đẹp nhất ở Nghệ An hiện nay. Ảnh: P.V

Chợ được xây dựng đồng bộ, khang trang, hiện đại theo đúng Quyết định số 1923/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh, nội quy chợ Tân Kỳ. Cụ thể, chợ Tân Kỳ có 210 điểm kinh doanh tại tầng trệt, 261 điểm kinh doanh tại tầng 1 và tầng 3 có 38 điểm kinh doanh. Ngoài ra, tại chợ còn có 28 ki-ốt (11 ki-ốt 3 tầng, 17 ki-ốt 2 tầng), tất cả các điểm kinh doanh và ki-ốt trên đều được đưa vào hoạt động trong giai đoạn I.

Trong chợ theo quan sát, khá nhiều ki ốt và quầy đã đi vào hoạt động, đó là các ki ốt mặt tiền chợ. Có 11 ki ốt 3 tầng các hộ tiểu thương có thể vừa bán hàng vừa để hàng 3 tầng, thuận tiện và giá khá đắt nhưng đã được mua hết. Các ki ốt 2 tầng cũng vậy. Còn nhiều ki ốt trong chợ cũng đã được đăng ký, giá mỗi ki ốt 500 triệu đồng (trong 50 năm), ai vào sớm được giảm còn 450 triệu đồng. Một số hộ đã vay mượn mua ki ốt vào bán hàng trong chợ.

Chị Liên, một người bán hàng ăn ở chợ cũ vào kinh doanh ở chợ mới cho biết: “Vào đây rộng rãi, mát mẻ đông khách hơn, nhân dân thị trấn vào ăn sáng, ăn trưa nhiều hơn. Ở đây có điện, nước máy đầy đủ, sạch sẽ, an toàn”.

Ở nhiều quầy đăng ký khác tuy các hộ chưa vào hoạt động nhưng đã đăng ký có biển hiệu đầy đủ.

Giám đốc Ban quản lý chợ Tân Kỳ cho biết: “Chợ Tân Kỳ đã đáp ứng được các quy định tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trong đó có quy định về tiêu chuẩn, phân loại chợ. Theo đó, chợ loại I là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch…; có mặt bằng và phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức đầy đủ các dịch vụ tại chợ: trông giữ xe, dịch vụ đo lường, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Quyết định số 5955/QĐ-UBND ngày 12/12/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng lưới phân bố hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025 thì chợ Tân Kỳ (chợ Lạt) được phân loại là chợ loại I.

Một vấn đề mà tiểu thương quan tâm đó là tên gọi tầng thấp nhất của công trình. Tiểu thương gọi đây là “tầng hầm”, tuy nhiên, trên thực tế, ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Do địa hình của huyện miền núi không bằng phẳng, phía trước đường thị trấn (đường 545 cao, nhưng phía sau lại thấp nên công trình nằm trên địa hình không bằng phẳng. Để có phương án tối ưu đối với địa hình này, nhà đầu tư đã thiết kế mặt bằng tầng thấp nhất của công trình có độ cao tương đương mặt đường khu dân cư khối 6, người dân ở thị trấn có nhiều đường vào chợ. Do đó, đây là “tầng trệt” chứ không thể gọi là “tầng hầm” do cao độ của tầng này không ở âm (không nằm chìm hoàn toàn so với cos nền của khu vực xung quanh)”.

Chợ Tân Kỳ sau khi hoàn thành đã được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy; các cơ quan chức năng đã kiểm tra và nghiệm thu các yêu cầu kỹ thuật về khả năng chịu lực, chất lượng công trình, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện… Do đó, công trình chợ Tân Kỳ đủ điều kiện để đưa vào hoạt động giai đoạn I, theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Giá thuê, mua ki ốt hợp lý

Về giá cho thuê ki-ốt tại chợ Tân Kỳ, đối chiếu với các quy định trong Quyết định 73/QĐ-UBND, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ Tân Kỳ còn thấp hơn từ 20 đến hơn 70% (đối với hộ tiểu thương góp vốn thời hạn 50 năm). Nếu tính riêng trong năm đầu tiên, các đối tượng thuộc diện ưu tiên sẽ được miễn tiền thuê điểm kinh doanh, được giảm 10% trong năm tiếp theo, không thu tiền đối với một số dịch vụ trong năm đầu tiên. Thực tế, có một số hộ đã chuyển sang chợ mới Tân Kỳ kinh doanh được 6 tháng nhưng chưa phải nộp bất kỳ loại phí, lệ phí gì và nhà đầu tư cũng chưa thu các khoản tiền điện, nước…

Chợ Tân Kỳ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống thoát nước thải, nước mưa đã được đấu nối với hệ thống thoát nước chung của thị trấn. Nhà đầu tư đã cam kết, trong trường hợp mưa lớn, gây ngập nước, dẫn đến hư hỏng hàng hóa của tiểu thương mà nguyên nhân không đến từ hệ thống thoát nước chung của thị trấn thì nhà đầu tư có trách nhiệm xem xét, bồi thường theo quy định.

Ngay cả trong trường hợp có thiên tai bất khả kháng hoặc xảy ra thiệt hại mà nguyên nhân đến từ hệ thống thoát nước chung của thị trấn Tân Kỳ thì nhà đầu tư phối hợp cùng chính quyền địa phương sẽ xem xét để tiến hành các biện pháp hỗ trợ bồi thường.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hàng hóa, lãnh đạo chính quyền thị trấn Tân Kỳ cũng cho biết, chợ Tân Kỳ sẽ mở cửa hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Trong thời gian chợ hoạt động, các chủ hộ kinh doanh tự bảo vệ hàng hóa, đồ dùng của mình. Nếu hàng hóa, đồ dùng gửi qua đêm phải thực hiện theo hợp đồng với HTX Hải An – Tân Kỳ; trước khi ra về, tiểu thương phải cất giữ hàng hóa, đồ dùng vào trong dụng cụ bảo quản hoặc kho chứa riêng đảm bảo an toàn, bàn giao cho lực lượng bảo vệ chợ. Đội ngũ bảo vệ chợ có trách nhiệm bảo đảm hàng hóa của tiểu thương gửi lại chợ; trường hợp xảy ra mất mát, hư hại thì phải báo cho tiểu thương và Ban quản lý chợ để phối hợp giải quyết khắc phục hậu quả và bồi thường theo quy định.

Về chế độ bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng khu vực chợ cũ để thực hiện dự án Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ, thông tin từ huyện Tân Kỳ cho biết, hiện nay Tân Kỳ đang tiến hành bồi thường đền bù theo quy định. Còn chợ thị trấn cũ sẽ đóng cửa và từ ngày 1/1/2019 đã không thu bất cứ các khoản phí nào tại đây.

Chợ Tân Kỳ là chợ đầu tiên do HTX chợ Hải An đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong các kỳ hội nghị xúc tiến đầu tư đầu năm, UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao tinh thần quyết liệt của nhà đầu tư đối với việc đổi mới hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh. Sau chợ Tân Kỳ nhà đầu tư đang triển khai xây dựng chợ ở Hoàng Mai, Đô Lương và các địa phương khác.

P.V