BNEWS.VN Chợ đầu mối hiện là kênh tiêu thụ nông sản và cung ứng thực phẩm quan trọng trong chuỗi phân phối – tiêu thụ sản phẩm.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công Thương, Bộ Công Thương

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện nhiều kênh phân phối hàng hóa hiện đại đã làm gia tăng và gây áp lực cạnh tranh đối với các chợ truyền thống nói chung và chợ đầu mối nói riêng.

Để hiểu rõ hơn về vai trò của chợ đầu mối và tìm kiếm giải pháp phát triển kênh phân phối quan trọng này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công Thương, Bộ Công Thương.

BNEWS: Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển chợ đầu mối hiện nay?

TS Lê Quốc Phương: Trong thời gian qua, hệ thống chợ đầu mối đã có bước phát triển rõ rệt. Về số lượng, hiện cả nước có khoảng 83 chợ đầu mối, chiếm gần 1% tổng số chợ trên cả nước.

Cho đến nay, chợ đầu mối phát triển nhanh và chỉ tính trong giai đoạn 2014 – 2017, tốc độ phát triển trung bình đạt 4,5%.

Một số chợ đầu mối được xây dựng khá khang trang, bài bản như chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn ở Tp Hồ Chí Minh.

Về địa bàn phát triển, hầu hết chợ đầu mối tập trung ở vùng nông thôn (15%), vùng đông dân cư, đầu mối giao thông và những vùng sản xuất nông sản tập trung. Về lĩnh vực, chợ đầu mối tập trung chủ yếu các mặt hàng nông sản.

BNEWS: Phát triển hệ thống chợ đầu mối tại các địa phương là rất quan trọng, vậy vì sao hiện nay vẫn có khá ít chợ đầu mối và việc phát triển gặp những khó khăn gì, thưa ông?

TS Lê Quốc Phương: Mặc dù đã có bước phát triển, song thực tế số lượng chợ đầu mối tại Việt Nam chưa nhiều, chất lượng cũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Hầu hết các chợ có quy mô nhỏ, kết cấu của chợ khá lạc hậu, thiếu nhiều dịch vụ đi kèm như: dịch vụ tài chính, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa  cháy… Những vấn đề này đều xuất phát từ việc vốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối còn hạn chế.

Theo Bộ Công Thương, bình quân chi phí xây dựng khoảng 40 tỷ đồng/chợ. Con số này là tương đối lớn nên việc huy động ngân sách hay kêu gọi đầu tư gặp khó khăn.

BNEWS: Hiện nay, Việt Nam có cơ chế chính sách gì để phát triển hệ thống chợ đầu mối tại các địa phương, thưa ông?

TS Lê Quốc Phương: Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã đề ra nhiều chính sách thúc đẩy hệ thống chợ nói chung và phát triển chợ đầu mối nói riêng.

Cụ thể như năm 2003, Chính phủ đã có Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý hệ thống chợ. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành hàng loạt Quyết định để phát triển thương mại nội địa và phát triển hệ thống chợ.

Đơn cử như ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trong đó có phát triển hệ thống chợ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… và các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản liên quan để hỗ trợ phát triển hệ thống chợ nói chung và chợ đầu mối nói riêng.

Tất cả các văn bản, chính sách này tạo ra hàng lang pháp lý nhất định và đưa ra các biện pháp cụ thể để phát triển hệ thống chợ đầu mối.

BNEWS: Bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử, hiện có nhiều Tập đoàn bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh của các hình thức này với hệ thống chợ đầu mối?

TS Lê Quốc Phương: Trong xu thế hội nhập quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ, ngoài hình thức chợ truyền thống thì cũng sớm xuất hiện nhiều hình thức phân phối hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…, tạo sự cạnh tranh với chợ truyền thống cũng như chợ đầu mối.

Những hình thức phân phối hiện đại này tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp như cùng bán một mặt hàng, nhưng các hình thức hiện đại có sức lan tỏa mạnh hơn và tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.

Đặc biệt, các hình thức phân phối này có sự tham gia của nhiều Tập đoàn nước ngoài có nguồn vốn và khả năng quản trị hiện đại hơn so với mô hình chợ đầu mối.

Điều này cũng tạo ra thách thức, song về cơ bản chợ truyền thống vẫn có không gian phát triển do đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế của Việt Nam.

Chính vì vậy, mô hình chợ đầu mối vẫn sẽ phát triển trong những năm tới. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trong khu vực và kể cả các nước phát triển, hệ thống chợ đầu mối và các chợ này vẫn tồn tại song song với các hình thức phân phối hiện đại khác.

BNEWS: Một trong những khó khăn phát triển hệ thống chợ đầu mối hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo ông, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

TS Lê Quốc Phương: Một trong những hạn chế hiện nay là công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại chợ đầu mối. Khắc phục vấn đề này cần thay đổi nhận thức từ người sản xuất đến khâu phân phối lưu thông và người tiêu dùng.

Nhiều nước đã sử dụng mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc. Hiện Việt Nam đã có một số chợ áp dụng, nhưng chưa nhiều và phải đẩy mạnh trong thời gian tới.

BNEWS: Theo nhiều chuyên gia, cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối nông sản còn thiếu, nhất là cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hóa. Ông có kiến nghị, đề xuất gì về vấn đề này?

TS Lê Quốc Phương: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách về phát triển chợ đầu mối, nhưng các chính sách liên quan đến thu hút đầu tư để phát triển chợ chưa nhiều. Vì vậy, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho chợ đầu mối.

Cụ thể là các ưu đãi về thuế, tín dụng để các nhà đầu tư có điều kiện đầu tư xây chợ đầu mối. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về đất đai cho các nhà đầu tư vì xây dựng chợ đầu mối quan trọng nhất là có vị trí giao thông thuận lợi và diện tích lớn.

Với những chính sách ưu đãi như vậy, Việt Nam mới phát triển được hệ thống chợ đầu mối hiện đại, đảm bảo các không gian chức năng và đáp ứng đúng vai trò chợ đầu mối trong lưu thông hàng hóa./.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Quốc Huy (thực hiện)