Có nhiều lý do khiến người gọi ông là “Vua Chợ” hay “Chiến chợ”. Chả thế mà khi có sự cố chợ ở đâu người ta cũng tưởng, rồi chia sẻ cùng “Chiến chợ ”. Nghe người ta nói vậy ông cũng chẳng giận, chẳng buồn, với giọng khật khưỡng ông bảo tôi: Bây giờ tớ là người nhiều chợ nhất, kể cả sau này dù các khu chợ kia có “vận đổi sao dời, Nhà nước có nhu cầu sử dụng cho các mục đích quan trọng khác thì khối tài sản ấy vẫn là khổng lồ”. Người “vua chợ” ấy là ông Dương Văn Chiến, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng Hải Âu, có địa chỉ tại phường Trần Nguyên Hãn (thành phố Bắc Giang).

 

Qua hơn nửa đời người, từng bôn ba khắp nơi, làm đủ thứ nghề, kính thưa các kiểu mà vẫn là dân, thậm chí có những lúc bế tắc đã đứng trên bờ vực của sự phá sản nhưng ông  không bao giờ nản. Khát vọng vươn lên làm giàu như một ngọn lửa luôn cháy trong tim ông mỗi ngày một nóng. Bản lĩnh thép luôn giúp ông trụ vững và luôn có niềm tin ở tương lai. Thế rồi đất nước mở cửa phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như cơn gió lạnh thổi luồng sinh khí mới cho các doanh nghiệp được tự chủ năng động trong sản xuất kinh doanh. Từ khi “khai hóa” chợ Hà Vị đến nay ông đã và đang đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác hơn 10 chợ với cả ngàn ki ốt, điểm kinh doanh văn minh, lịch sự. Các khu chợ mới hiện đại ra đời thay cảnh chợ cóc, chợ tạm nhếch nhác trước đây tạo ra một diện mạo mới phù hợp với xu thế  phát triển của xã hội văn minh.

Ông hình như chỉ lên được từ mô hình đầu tư xây dựng chợ? Tuy doanh nghiệp tôi đã qua kinh doanh rất nhiều ngành nghề, từ đun gạch, làm mộc, kinh doanh sắt thép, xăng dầu, chế biến nông sản, rồi mở cả nhà hàng, khách sạn, thi công xây lắp mặt bằng. Trực giác cũng như kinh nghiệm trên thương trường khiến tôi chưa thua bất kỳ nghề nào. Có điều hiệu quả chưa được như mong muốn. Cũng từ đó mà tôi nghiệm ra mình có duyên với nghề xây dựng, mà nếu tập trung đầu tư vào cho chắc chắn sẽ mang lại thành công. Để đưa ra quyết định này tôi đã dày công nghiên cứu thị trường vận chuyển hàng hóa hiện tại, rồi thực trạng chợ hiện nay ở Việt Nam. Tổ chức thương mại thế giới đánh giá thị trường bán lẻ của Việt Nam hấp dẫn thứ ba trên thế giới. Riêng việc mua bán ở các chợ truyền thống chiến lời hơn 40%. Trong khi đó phần lớn các chợ trên địa bàn cả nước chưa được đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp. Cơ sở vật chất của các chợ không những chưa đáp ứng được nhu cầu giao lưu cơ bản của các doanh nghiệp và các hộ thương nhân mà còn bộc lộ bất cập như; không bảo đảm các điều kiện về hệ thống giao thông nội bộ thoát hiểm khi có hỏa hoạn cháy nổ xảy ra, mất vệ sinh môi trường, an ninh trật tự không bảo đảm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng chợ cóc, chợ tạm ngồi không đúng nơi quy định, chợ chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông, không chỉ làm mất cảnh quan đô thị mà còn là mầm mống của nhiều tệ nạn xã hội. Tất cả những điều này cần có một “cuộc cách mạng” tổ chức sắp xếp quy hoạch lại chợ ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ đã phát triển và quản lý chợ. Theo đó các thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ, đây là một lĩnh vực từ trước đến nay gần như bỏ ngỏ. Sau khi nghiên cứu kỹ văn bản này, rút kinh nghiệm từ những mô hình chợ xây ra không có người họp như chợ Mỹ Độ, chợ Ngã ba Kế (TP Bắc Giang), chợ đầu mối hoa quả Lục Ngạn rồi nhiều chợ hiệu quả rất thấp như chợ ở các trung tâm thị tứ, cụm xã. Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định tập trung hơn 90% công việc kinh doanh của doanh nghiệp vào đầu tư quản lý khai thác các dự án áp dụng theo mô hình xã hội hóa đầu tư. Doanh nghiệp bỏ 100% kinh phí thuê đất của Nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ (không chuyển giao). Với tầm nhìn đó năm 2004, Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng chợ Hà Vị thay thế cho thiết bị sập sệ trước đây trở thành một trung tâm giao thương sầm uất, bảo đảm các yêu cầu về văn minh thương mại, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm. Đây là mô hình mới nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền cũng như của các hộ thương nhân.

Từ thành công của chợ Hà Vị, Công ty đã mở rộng địa bàn đầu tư xây dựng hơn 10 chợ tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương tạo hàng nghìn ki ốt, điểm bán hàng giải quyết hàng chục triệu ngày công lao động đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Đó là các chợ Ngụ, xã Nhân Thắng, chợ Trung tâm huyện Gia Bình, chợ Trung tâm thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, chợ Trung tâm thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Tại Bắc Giang Công ty đang triển khai các dự án xây dựng chợ Chàng, xã Việt Tiến (Việt Yên); chợ Song Mai (TP Bắc Giang); chợ Cóc, xã Dĩnh Trì, chợ Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang).

Tầm nhìn của tương lai

Một nghề thì sống, đống nghề thì… đỡ rủi ro. Không biết ông moi ở đâu ra “dị bản” của thành ngữ này. Cái chất con người ông cộng với tính khí của ông làm người ta đôi khi tưởng rất khó gần. Ông lập luận rằng, ở thời này cần phải thay mới tư duy, thay “cái mầu” của cơ chế bao cấp xưa đi, không phải tôi phản đối suy nghĩ của cổ nhân mà tôi áp dụng triệt để những tính ưu việt thông thoáng của cơ chế mới hiện nay. Trong điều kiện vốn là nhu cầu thị trường thay đổi tính ổn định, bền vững, thậm chí việc chọn nhiều ngành nghề kinh doanh để lấy ngắn nuôi dài là hoàn toàn phù hợp. Doanh nghiệp tôi thành lập năm 1995 nhưng hầu như năm nào cũng xin bổ sung ngành nghề trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Hiện Công ty tôi có đăng ký tới 22 ngành nghề khác nhau. Tôi học được từ cách kinh doanh của những doanh nghiệp thành đạt là “không cho tất cả trứng vào trong một giỏ” Nhằm hạn chế rủi ro kinh doanh trong cơ chế thị trường khi mà nền kinh tế luôn có những biến động khó lường và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bây giờ khi đã có tiềm lực, khả năng tài chính ông lại có ý định xây dựng Công ty trở thành một đơn vị mạnh của quốc gia về lĩnh vực này. Ông đã hướng thị trường vươn ra không chỉ trong nước mà còn sang cả nước ngoài.

Cùng với đó Công ty phát huy thế mạnh của mô hình này xây dựng đầu tư nhiều dự án khác ngoài chợ như: Xây dựng  Trung tâm vui chơi giải trí tại công viên Trung tâm thành phố Bắc Giang. Dự án đầu tư xây dựng quản lý khai thác trạm dừng nghỉ, bến xe khách kết hợp kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Dự án tòa nhà siêu thị và văn phòng cho thuê tại huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh, rồi dự kiến hợp tác liên doanh thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trường THPT dân lập Hồ Tùng Mậu (TP Bắc Giang) đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (đã được đối tác Hoa Kỳ ký hợp đồng ghi nhớ ngày 08/5/2010 tại TP Califorlia).

Tôi có cảm giác trong ông lúc nào cũng đầy ắp những ý tưởng táo bạo. Cái lo của ông bây giờ không phải là thiếu việc làm, thiếu tiền vốn mà chính và vấn đề đội ngũ nhân lực đảm đương công việc, chính vì vậy mà ông rất chăm lo cho việc xây dựng lớp cán bộ đủ năng lực, trình độ tiếp thu, quản lý điều hành được các dự án có quy môn tầm cỡ quốc tế. Hàng loạt kỹ sư, thạc sĩ tài chính, quản lý kinh tế, cử nhân luật có kinh nghiệm đang được ông thu nạp để gánh vác trọng trách quan trọng này, đồng thời với việc gửi đi đào tạo kể cả ở nước ngoài những cán bộ trẻ có năng lực. Hệ thống các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội CCB … được ông đặc biệt quan tâm, hoạt động sôi nổi tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong đơn vị. Riêng chi bộ Đảng Công ty 3 năm liên tục (2006 – 2009) giữ vững danh hiệu “Đơn vị trong sạch vững mạnh”.

Trong 15 năm xây dựng và phát triển một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm như ông đã lái con thuyền Hải Âu đạt hết thắng lợi này đến thắng lợi khác và hiện vẫn đang căng cờ rẽ sóng vượt trùng khơi. Ông luôn tự hào doanh nghiệp của ông 15 năm qua chưa bao giờ để nợ đọng thuế và tiền vay của các tổ chức tín dụng, đóng góp vào ngân sách nhà nước (thông qua các sắc thuế) hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những thế, doanh nghiệp của ông còn luôn gương mẫu, đề cao trách nhiệm với cộng đồng.

Ông không nhớ hết những phần thưởng, Cúp vàng, Danh hiệu cao quý, Bằng khen, Giấy khen…  mà các tổ chức đã dành trao cho những đóng góp của doanh nghiệp và cá nhân ông thời gian qua. Có thể ông không muốn nói về mình nhưng tôi biết năm 2009, ngoài “ôm” Cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng” ông còn được lĩnh khá nhiều các Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH; Chủ tịch LMHTX Việt Nam, Chủ tịch UBND hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Tâm sự với tôi về chặng đường phát triển của doanh nghiệp, ông Chiến khẳng định: Một doanh nhân bước chân vào con đường kinh doanh nếu phấn đấu để hoàn thiện được cho chính mình thì phải hội tụ đủ 4 chữ “Tâm – Tài – Trí – Dũng”. Mục tiêu chính của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, giải quyết được 3 lợi ích làm giàu cho mình, cho Nhà nước và người lao động. Để đạt được điều này, các doanh nhân hiện nay không thể không có tâm, có đức, có tài.

Vậy là Hải Âu hôm nay đã sải cánh vươn xa cùng đất nước để ngày mai hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công mới.

Việt Hưng Báo Bắc Giang (2014)