Làm chủ gần 40 công trình dự án chợ trên nhiều tỉnh trong cả nước, được mệnh danh là “Vua chợ” của Việt Nam, doanh nhân Dương Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX Hải An – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng Hải Âu, vượt qua muôn vàn khó khăn, tạo dựng được những chợ mới trên nền chợ cũ. Có thể nói, mỗi chợ mới là một mô hình văn hóa vừa giữ được nét chợ độc đáo truyền thống, vừa kết hợp văn hóa văn minh hiện đại đã tạo nên điểm nhấn văn hóa văn minh thương mại không chỉ ở các chợ vùng quê mà còn ngay trong lòng những đô thị phát triển.

Chợ văn hóa, du lịch Cái Dăm, TP Hạ Long

Nhìn lại chặng đường gần 20 năm phát triển của một doanh nghiệp cùng với những thành công được ghi nhận từ những dự án chợ cho thấy: Thành công trong lĩnh vực kinh doanh đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác chợ của Công ty TNHH Xây dựng Hải Âu chính là tạo được tính văn hóa, văn minh trong hoạt động thương mại của mỗi chợ.

Tiếp xúc, trao đổi với doanh nhân Dương Văn Chiến, khi đề cập riêng về văn hóa chợ, không ít lần tôi được nghe ông nói: “Văn hóa chợ là tập hợp những nét văn hóa kinh doanh của những hộ bán hàng trong chợ. Điều gì khiến cho khách hàng đến một lần là có nhu cầu quay trở lại? có phải là bởi tại nét văn hóa chợ với những sắc màu riêng đáng nhớ, được phô bày từ những sản phẩm hàng hóa mang tính đặc thù vùng miền? Tâm lý của khách hàng khi đến với chợ truyền thống là họ được mặc cả thỏa thích, được dùng thử tại chỗ, được trò chuyện, trao đổi với người bán một cách bình đẳng, chan hòa, họ sợ bị nài ép mua hàng, họ sợ những chủ bán hàng ghê gớm, thiếu thái độ đồng cảm hợp tác…

.Tất cả những điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách ứng xử của mỗi cá nhân trong quá trình bán hàng tại chợ thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, cách thức mời chào khách hàng, cách trao đổi trong qúa  trình giao dịch làm sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Văn hóa chợ còn thể hiện trong các gian hàng, sạp hàng bày bán ở chợ tạo điều kiện thuận lợi cho người mua, điều này được thể hiện trong cách phân khu, phân dãy theo cùng một mặt hàng. Ví dụ như dãy bán quần áo, vải vóc, dãy tạp hóa, dãy hàng thực phẩm sống, thực phẩm chín, dãy hàng rau củ, dãy hoa quả… tất cả đều được sắp xếp sao cho khách hàng dễ lựa chọn mua được hàng hóa ưng ý nhất. Cũng góp phần tạo nên văn hóa chợ, khiến cho khách hàng yên tâm khi đến chợ mua  hàng đó là: Không có thái độ chụp giật, tranh khách, cãi vã, nói xấu nhau giữa các hộ bán hàng, đề cao tinh thần “Buôn có bạn, bán có phường”.

Cùng với vấn đề văn hóa cá nhân, có bộ máy quản lý chợ am hiểu về vấn đề kinh doanh và quản lý kinh doanh là vô cùng cần thiết. Bởi chính họ là bộ phận quan trọng để cấu thành nên văn hóa kinh doanh chợ truyền thống trong lĩnh vực bảo vệ sự qui củ, văn minh, phân biệt lẽ phải trái trong các mối quan hệ tại chợ, tác động mọi thái độ hợp tác, tinh thần chấp hành nghiêm chỉnh những quy định và tuân thủ theo pháp luật của mọi thành viên tham gia chợ…

Chợ An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Vị, TP Bắc Giang

Tất cả những yếu tố trên về văn hóa chợ đều đã được hiện hữu và thực hiện trong tất cả các chợ của Hải An, Hải Âu.

Từ những ngày đầu các chợ mới được đưa vào khai thác, Ban quản lý chợ tổ chức hướng dẫn nhân viên bảo vệ sử dụng thuần thục các trang thiết bị phòng chống cháy nổ, mở các lớp tập huấn về văn hóa chợ cho các hộ kinh doanh, người trực tiếp bán hàng, các nội quy ứng phó khi không may bị hỏa hoạn cho các hộ kinh doanh, những kiến thức chung về pháp luật liên quan đến kinh doanh hàng hóa tại chợ. Chính vì vậy, nhiều năm qua, từ chợ đầu tiên đi vào sử dụng cho đến các chợ ra đời tiếp nói đến bây giờ, không có điều gì đáng tiếc xảy ra trong kinh doanh và trong công tác bảo vệ an toàn chợ. Mọi hoạt động kinh doanh trong chợ giữ được nền nếp và dần được nâng cao, văn hóa chợ ngày càng được phát huy. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt được chú trọng, một số chợ đã và đang phát huy sức cạnh tranh lành mạnh bằng các gian hàng thực phẩm sạch, ngon với giá cả hợp lý.

Làm tốt được các khâu trên là pháp luật tối ưu cho mỗi chợ của Hải An – Hải Âu giữ được bạn hàng chung thủy cho mỗi chợ của công ty trở thành một mô hình văn hóa kể cả hình thức và chất lượng giao thương, một điểm nhấn văn hóa cả ở nông thôn và thành thị.